Thủ tục dán nhãn năng lượng năm 2024
Theo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nhãn năng lượng cung cấp thông tin về loại năng lượng sử dụng, mức tiêu thụ, hiệu suất năng lượng và các chi tiết khác, giúp người tiêu dùng chọn lựa các thiết bị và phương tiện tiết kiệm năng lượng. Nhãn này không chỉ hỗ trợ người tiêu dùng hiểu rõ sản phẩm mà còn khuyến khích các nhà sản xuất cải tiến và tạo ra cạnh tranh tích cực.
Thông tư 36/2016/TT-BCT của Bộ Công thương quy định việc dán nhãn năng lượng cho các phương tiện và thiết bị sử dụng năng lượng, có hiệu lực từ ngày 10 tháng 2 năm 2017. Các thiết bị phải dán nhãn bao gồm:
- Nhóm thiết bị gia dụng: đèn huỳnh quang, máy điều hòa, tủ lạnh, máy giặt, v.v.
- Nhóm thiết bị văn phòng và thương mại: máy photocopy, màn hình máy tính, máy in, v.v.
- Nhóm thiết bị công nghiệp: máy biến áp, động cơ điện.
- Nhóm phương tiện giao thông: xe ô tô con, xe mô tô, v.v.
Một số hàng hóa không áp dụng quy định dán nhãn năng lượng như hàng hóa tạm nhập – tái xuất, hàng hóa phục vụ xuất khẩu, hàng hóa thuộc lĩnh vực an ninh quốc phòng, và hàng hóa phi thương mại như quà biếu, hàng hóa ngoại giao.
Các loại nhãn năng lượng:
- Nhãn so sánh: Cung cấp thông tin về mức tiêu thụ và hiệu suất năng lượng để người tiêu dùng so sánh và chọn lựa sản phẩm tiết kiệm năng lượng.
- Nhãn xác nhận: Chứng nhận sản phẩm có hiệu suất năng lượng cao nhất trong cùng loại sản phẩm.
Thủ tục đăng ký dán nhãn năng lượng:
Trước khi đưa sản phẩm ra thị trường, doanh nghiệp cần đăng ký dán nhãn năng lượng với hồ sơ bao gồm:
- Giấy công bố dán nhãn năng lượng theo mẫu tại Thông tư 36/2016/TT-BCT.
- Kết quả thử nghiệm do tổ chức thử nghiệm cấp.
- Tài liệu chứng minh phòng thử nghiệm nước ngoài đáp ứng yêu cầu (nếu thử nghiệm được thực hiện bởi tổ chức nước ngoài).
- Mẫu nhãn năng lượng dự kiến.
Hồ sơ có thể gửi trực tuyến qua Trang thông tin điện tử của Bộ Công thương hoặc gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện.
Lưu ý:
- Tài liệu bằng tiếng nước ngoài phải được dịch sang tiếng Việt và công chứng.
- Thay đổi về tiêu chuẩn đánh giá hoặc thiết bị yêu cầu đăng ký lại dán nhãn năng lượng.
Thu hồi nhãn năng lượng:
Bộ Công thương có quyền thu hồi nhãn nếu thông tin trên nhãn sai lệch so với hồ sơ đăng ký hoặc nếu mức tiêu thụ năng lượng của sản phẩm cao hơn mức đã công bố.
Thời gian thực hiện thủ tục dán nhãn năng lượng
Đối với thủ tục dán nhãn năng lượng có hai bước cần thực hiện chính là thực hiện thủ tục thử nghiệm hiệu suất năng lượng tại các đơn vị thử nghiệm hiệu suất năng lượng và thực hiện thủ tục đăng ký dán nhãn năng lượng tại Bộ Công thương.
- Đối với thủ tục thử nghiệm hiệu suất năng lượng phụ thuộc vào sản phẩm và đơn vị kiểm tra và thử nghiệm để ra kết quả thử nghiệm hiệu suất năng lượng. Thời gian bình quân cho thủ tục này thời gian khoảng từ 3 đến 5 ngày làm việc
- Còn đối với thủ tục đăng ký dán nhãn năng lượng tại Bộ Công thương thì cũng không có quy định thời gian cụ thể về việc thực hiện thủ tục này trong thời gian bao lâu. Tức thời gian này là thời gian để xin xác nhận của Bộ Công thương về việc xác nhận đơn vị doanh nghiệp đã thực hiện thủ tục đăng ký dãn nhãn năng lượng cho sản phẩm của mình lên Bộ Công thương. Nhưng thông thường thời gian để thực hiện thủ tục này khoảng từ 3 đến 5 ngày làm việc.
Như vậy tổng thời gian thực hiện công việc bình quân là: 6 đến 10 ngày làm việc. Thời gian trên chỉ là thời gian bình quân để thực hiện công việc.
Xem thêm: Quy trình đăng ký thương hiệu sản phẩm
Các sản phẩm không phải thực hiện thủ tục đăng ký dán nhãn năng lượng
Xác định tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN): Trước khi thực hiện dán nhãn năng lượng, các đơn vị cần xác định xem sản phẩm của mình đã có tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) áp dụng chưa và nếu có, các yêu cầu trong TCVN như thế nào. Nhiều đơn vị hiểu nhầm rằng tất cả các sản phẩm thuộc danh mục trong Quyết định số 04/2017/QĐ-TTg đều phải đăng ký dán nhãn năng lượng. Tuy nhiên, theo TCVN, cùng một loại sản phẩm có thể yêu cầu hoặc không yêu cầu dán nhãn năng lượng tùy thuộc vào các thông số cụ thể. Nếu sản phẩm không thuộc phạm vi áp dụng của TCVN, thì không cần thực hiện thử nghiệm hiệu suất năng lượng (HSNL) và dán nhãn năng lượng.Ví dụ, theo TCVN 7540-1:2015, động cơ điện không đồng bộ xoay chiều 3 pha roto lồng sóc với công suất từ 0.75 kW đến 150 kW, chế độ hoạt động liên tục (S1), tần số 50-60 Hz mới yêu cầu thử nghiệm hiệu suất năng lượng và dán nhãn năng lượng. Các loại động cơ sau không cần thử nghiệm và dán nhãn năng lượng:
- Động cơ điện 1 chiều
- Động cơ điện có công suất dưới 0.75 kW hoặc trên 150 kW
- Động cơ điện hoạt động theo chế độ S2, S3 hoặc S4
Các sản phẩm không phải dán nhãn năng lượng theo Thông tư 36/2016/TT-BCT:
- Hàng hóa, vật tư thiết bị tạm nhập – tái xuất; hàng hóa quá cảnh, chuyển khẩu.
- Hàng hóa do doanh nghiệp trong nước sản xuất, gia công phục vụ xuất khẩu (không tiêu thụ trong nước).
- Hàng hóa thuộc lĩnh vực an ninh quốc phòng, bí mật quốc gia, an toàn bức xạ hạt nhân.
- Hàng hóa nhập khẩu phi thương mại: hành lý cá nhân, hàng hóa ngoại giao; hàng hóa tham gia triển lãm, hội chợ; quà biếu, tặng; hàng hóa, vật tư phụ tùng, linh kiện nhập khẩu đơn chiếc phục vụ mục đích sử dụng, thay thế trong các công trình, dự án đầu tư, công việc như hội nghị, hội thảo nghiên cứu khoa học, thi đấu thể thao, biểu diễn văn hóa, nghệ thuật và các loại hàng hóa khác không nhằm mục đích kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Mời bạn xem thêm:
- Thủ tục thay đổi tên trong sổ mục kê đất đai như thế nào?
- Thủ tục thành lập công ty dược phẩm năm 2024
- Thủ tục xin sáp nhập doanh nghiệp năm 2024 như thế nào?
Câu hỏi thường gặp:
Ngày 09 tháng 03 năm 2017, Thủ tướng chính phủ ký quyết định số 04/2017/QĐ-TTG về việc phê duyệt danh mục dán nhãn năng lượng ,áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện đối với số phương tiện thiết bị. Đối với các mặt hàng sau thì khi đưa sản phẩm ra thị trường, các đơn vị chắc chắn và bắt buộc phải thực hiện thủ tục dán nhãn năng lượng ngay lập tức
Nhóm thiết bị gia dụng gồm: Đèn huỳnh quang ống thẳng, đèn huỳnh quang compact, chấn lưu điện từ và điện tử cho đèn huỳnh quang, máy điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, máy
giặt sử dụng trong gia đình, nồi cơm điện, quạt điện, máy thu hình, đèn LED, bình đun nước nóng có dự trữ.
Nhóm thiết bị văn phòng và thương mại gồm: Máy phôtô copy, màn hình máy tính, máy in, tủ giữ lạnh thương mại, máy tính xách tay.
Nhóm thiết bị công nghiệp gồm: Máy biến áp phân phối, động cơ điện.
Nhóm phương tiện giao thông vận tải gồm: Xe ô tô con loại 9 chỗ trở xuống, xe mô tô, xe gắn máy.
Có hai loại nhãn năng lượng gồm Nhãn năng lượng xác nhận và nhãn năng lượng so sánh
Nhãn năng lượng xác nhận: là nhãn thể hiện hình biểu tượng Tiết kiệm năng lượng (hay còn gọi là Ngôi sao năng lượng Việt) được dán cho các phương tiện, thiết bị lưu thông trên thị trường khi những phương tiện, thiết bị này có mức hiệu suất năng lượng đạt hoặc vượt mức hiệu suất năng lượng cao (HEPS) do Bộ Công Thương quy định theo từng thời kỳ.
Nhãn năng lượng so sánh: là nhãn được dán cho các phương tiện, thiết bị lưu thông trên thị trường có mức hiệu suất năng lượng khác nhau ứng với năm cấp hiệu suất năng lượng ( từ một sao đến năm sao ), nhãn năm sao là nhãn có hiệu suất tốt nhất nhằm cung cấp cho người tiêu dùng biết các thông tin về hiệu suất năng lượng của phương tiện, thiết bị này so với các phương tiện, thiết bị cùng loại khác trên thị trường, giúp người tiêu dùng lựa chọn được phương tiện, thiết bị có mức tiêu thụ năng lượng tiết kiệm hơn.