Căn cứ pháp lý
- Luật Hộ tịch 2014
- Luật Hôn nhân gia đình 2014
- Nghị định 123/2015/NĐ-CP
Giấy chứng nhận kết hôn là gì?
Kết hôn có thể hiểu là việc 2 người nam, nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau, phát sinh các quan hệ hôn nhân, có nghĩa vụ, bổn phận chăm sóc yêu thương lẫn nhau, cùng nhau xây dựng hạnh phúc gia đình, sinh đẻ, chăm sóc và nuôi dưỡng con cái.
Giấy chứng nhận kết hôn là minh chứng cụ thể nhất cho 2 người đã xác lập quan hệ hôn nhân dưới góc độ pháp lý. Định nghĩa về giấy chứng nhận kết hôn được quy định tại khoản 7 điều 4 Luật Hộ tịch năm 2014 như sau:
“Giấy chứng nhận kết hôn là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho hai bên nam, nữ khi đăng ký kết hôn; nội dung Giấy chứng nhận kết hôn bao gồm các thông tin cơ bản quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật này.”
Dẫn chiếu sang khoản 2 Điều 17 Luật Hộ tịch 2014, những thông tin cơ bản trong giấy đăng ký kết hôn sẽ bao gồm:
“2. Giấy chứng nhận kết hôn phải có các thông tin sau đây:
a) Họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú; thông tin về giấy tờ chứng minh nhân thân của hai bên nam, nữ;
b) Ngày, tháng, năm đăng ký kết hôn;
c) Chữ ký hoặc điểm chỉ của hai bên nam, nữ và xác nhận của cơ quan đăng ký hộ tịch.”
Như vậy, kết luận lại rằng, giấy chứng nhận kết hôn là một loại giấy tờ hộ tịch, liên quan đến các vấn đề nhân thân, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận và cấp cho người đã xác lập quan hệ vợ chồng, đảm bảo đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.
Điều kiện cấp giấy chứng nhận kết hôn
Như đã trình bày ở phía trện, chỉ được cấp giấy chứng nhận kết hôn khi hai bên nam, nữ đã đảm bảo đủ các điều kiện kết hôn, đồng thời tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn theo đúng quy định của pháp luật. Theo đó, điều kiện để được cấp giấy chứng nhận kết hôn như sau:
Thứ nhất, các bên đảm bảo đủ điều kiện đăng ký kết hôn
Điều kiện để kết hôn được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Về độ tuổi kết hôn, nam phải từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên. Việc kết hôn dựa trên cơ sở tinh thần tự nguyện, quyết định của hai bên nam nữ, không bị lừa dối, ép buộc. Hai bên nam, nữ không thuộc đối tượng bị mất năng lực hành vi dân sự. Ngoài ra, việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp bị cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Các trường hợp cấm kết hôn được quy định tại điểm a, b, c, d khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân gia đình 2014 bao gồm:
“a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;”
Thứ hai, hai bên nam nữ đã thực hiện đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền
Hai bên nam nữ cần phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để xin đăng ký kết hôn. Các loại hồ sơ cụ thể cần chuẩn bị được quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 123/2015/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Hộ tịch. Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ, hồ sơ cần được nộp trực tiếp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Hộ tịch 2014, 2 bên nam nữ có thể thực hiện đăng ký kết hôn tại ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 37 Luật Hộ tịch 2014, nếu có các yếu tố nước ngoài trong các trường hợp kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, kết hôn giữa công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; kết hôn giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau; kết hôn giữa công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài thì việc thực hiện đăng ký kết hôn cần được tiến hành tại ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-BNG-BTP, 2 bên nam nữ cũng có thể tiến hành đăng ký kết hôn tại cơ quan đại diện ở khu vực lãnh sự nơi cư trú của bên là công dân Việt Nam. Trong đó, cả hai bên có thể đều là công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài hoặc là giữa công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài với người nước ngoài.
Quy định về ly hôn
Ly hôn hay còn gọi là ly dị có thể được hiểu là chấm dứt mối quan hệ vợ chồng giữa 2 người nam và nữ. Cụ thể, căn cứ theo khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, ta có định nghĩa về ly hôn như sau: “Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.”
Như vậy, có thể thấy rằng, chỉ có Tòa án mới có thẩm quyền giải quyết và ra quyết định ly hôn. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn cũng được quy định cụ thể tại Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:
“Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn
1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.”
Có thể thấy rằng, vợ và chồng đều bình đẳng về quyền ly hôn. Trong một số trường hợp đặc biệt, cha mẹ hoặc người thân thích khác cũng có quyền ly hôn. Ngoài ra, để bảo vệ quyền lợi người phụ nữ và trẻ em, pháp luật có quy định thêm về trường hợp hạn chế quyền ly hôn người chồng khi vợ đang có thai, sinh con và nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Điều 55 và 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cũng có quy định thêm về 2 hình thức ly hôn đó là ly hôn thuận tình và ly hôn theo yêu cầu của một bên (hay còn gọi là ly hôn đơn phương).
Không có giấy kết hôn có ly hôn được không?
Để được Tòa án giải quyết yêu cầu ly hôn, đương sự phải chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ hồ sơ cần thiết, bao gồm: Đơn xin ly hôn (ly hôn thuận tình hoặc ly hôn đơn phương); Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính); Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân của vợ và chồng; Sổ hộ khẩu của gia đình (bản sao có chứng thực); Giấy khai sinh của các con chung (bản sao); Các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu với tài sản chung (bản sao có chứng thực).
Như vậy, muốn giải quyết vấn đề ly hôn bắt buộc phải có giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Điều này nhằm chúng minh rằng giữa hai người đã hình thành quan hệ vợ chồng, được pháp luật công nhận và bảo hộ. Tuy nhiên, trên thực tế, nếu không có giấy chứng nhận đăng ký kết hôn thì vẫn có thể thực hiện giải quyết thủ tục ly hôn.
Trong trường hợp 2 bên được công nhân quan hệ hôn nhân thì dù không có giấy kết hôn, việc ly hôn vẫn sẽ được giải quyết theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Trong một số trường hợp khác, mặc dù chưa thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng Tòa án vẫn có thể giải quyết yều cầu ly hôn. Trường hợp này được quy định cụ thể ở khoản 2 Điều 53 Luật Hôn nhân gia đình 2014.
Ngoài ra, trong một số trường hợp khác, vì nhiều lý do yếu tố khách quan mà bị mất đăng ký kết hôn, bị hư hỏng hay một bên giữ giấy kết hôn gây cản trở, khó khăn khi yêu cầu ly hôn. Khi đó, có thể thực hiện xin cấp trích lục kết hôn tại nơi mà mình đăng ký kết hôn để thay thế cho bản chính. Bản sao trích lục này có giá trị pháp lý tương tự như bản chính, có thể sử dụng thay thế bản chính trong các giao dịch và cũng có thể thay thế giấy kết hôn bản gốc khi nộp hồ sơ xin ly hôn.
Câu hỏi thường gặp
Hiện nay, pháp luật không quy định cụ thể về thời hạn sử dụng của giấy đăng ký kết hôn trong bao lâu. Theo đó, có thể hiểu, thời hạn sử dụng của giấy chứng nhận đăng ký kết hôn là không thời hạn.
Hiệu lực của giấy chứng nhận kết hôn phát sinh tại thời điểm cả 2 bên nam nữ đồng ý ký vào giấy này khi 2 bên được cấp giấy chứng nhận kết hôn.
Mặc dù là không có thời hạn cụ thể những giá trị pháp lý của giấy chứng nhận kết hôn vẫn có thể chấm dứt vào thời điểm sau đây:
– Khi một một bên vợ hoặc chồng chết hoặc bị tuyên bố chết theo quyết định có hiệu lực pháp lý của Tòa án.
– Khi hai bên vợ chồng ly hôn, chấm dứt quan hệ hôn nhân theo bản án hoặc quyết định ly hôn có hiệu lực pháp lý của Tòa án.
Căn cứ theo khoản 3 Điều 18 Nghị định 123/2015/NĐ-CP có quy định như sau:
“Điều 18. Đăng ký kết hôn
…
3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, công chức tư pháp – hộ tịch kiểm tra, xác minh hồ sơ và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân quyết định. Trường hợp cần xác minh thì thời hạn giải quyết không quá 08 ngày làm việc.
Nếu hai bên nam, nữ đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã ký Giấy chứng nhận kết hôn, công chức tư pháp – hộ tịch ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch, cùng hai bên nam, nữ ký, ghi rõ họ tên trong Sổ hộ tịch, Giấy chứng nhận kết hôn; mỗi bên vợ, chồng được cấp 01 bản chính Giấy chứng nhận kết hôn.”
Như vậy, có thể thấy rằng, giấy đăng ký kết hôn sẽ được cấp thành 2 bản chính. Trong đó bên nam và bên nữ, mỗi bên giữ 1 bản chính.