Căn cứ pháp lý
- Luật Hôn nhân và Gia đình 2014
- Bộ luật Tố tụng dân sự 2015
- Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14
Ly hôn là gì?
Ly hôn là không phải là một cụm từ xa lạ hay mới mẻ đối với nhiều người. Tuy nhiên, rất ít người có thể định nghĩa ly hôn được một cách chính xác. Căn cứ theo quy định tại khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, ta có định nghĩa về ly hôn như sau: “Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.”
Theo quy định này, bạn có thể hiểu, anh A với chị B là vợ chồng, đã đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật, khi Tòa án ra một bản án, quyết định ly hôn có hiệu lực pháp lý thì quan hệ vợ chồng giữa anh A và chị B sẽ chấm dứt. Việc Tòa án ra bản án, quyết định ly hôn cũng là một trong những thời điểm chấm dứt quan hệ hôn nhân, được quy định tại khoản 1 Điều 57 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Tồn tại song song với vấn đề ly hôn là vấn đề ly thân. Ly thân khác với ly hôn ở chỗ là mối quan hệ hôn nhân vẫn chưa chấm dứt, chỉ là vợ và chồng không còn tình cảm với nhau, không còn chung sống với nhau. Điều này khiến nhiều người lầm tưởng rằng, ly thân cũng là chấm dứt mối quan hệ hôn nhân và trước khi ly hôn, bắt buộc phải ly thân.
Ly hôn đơn phương là gì?
Căn cứ vào định nghĩa ly hôn đã nêu ở trên, có thể thấy rằng, quyết định ly hôn và bản án ly hôn có hiệu lực pháp luật là những loại giấy tờ kết quả khi giải quyết một vụ việc ly hôn. Mặt khác, căn cứ theo Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, vụ việc dân sự bao gồm vụ án dân sự và việc dân sự. Vụ việc ly hôn cũng là một vụ việc dân sự nên cũng bao gồm vụ án ly hôn và việc ly hôn. Theo đó, kết quả khi Tòa án giải quyết vụ án ly hôn là bản án, còn kết quả khi Tòa án giải quyết việc ly hôn là quyết định.
Việc ly hôn giữa vợ và chồng cũng có thể là cả vợ và chồng đều đồng ý hoặc là một trong 2 bên và chồng sẽ không đồng ý. Điều này cơ sở hình thành nên các hình thức ly hôn, được quy định tại Điều 55, Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Theo đó, có 2 hình thức ly hôn thuận tình và ly hôn đơn phương.
Ly hôn thuận tình là trường hợp khi cả hai vợ, chồng đều quyết định ly hôn cũng như đã thỏa thuận được với nhau về các vấn đề sau ly hôn (về chia tài sản, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con). Theo đó, cả vợ và chồng đều bắt buộc phải ký vào đơn ly hôn thuận tình.
Từ đó, có thể nhận thấy rằng, ly hôn đơn phương là ly hôn theo yêu cầu của một bên, khi một bên vợ hay chồng yêu cầu ly hôn vì nhận thấy cuộc sống vợ chồng không thể tiếp tục, quan hệ hôn nhân lâm vào tình trạng bế tắc trầm trọng do một bên vi phạm nghĩa vụ vợ chồng hay bạo lực gia đình,…
Thủ tục ly hôn đơn phương mất bao nhiêu tiền?
Khi yêu cầu Tòa án giải quyết các vụ việc dân sự, bạn phải nộp án phí và lệ phí theo quy định. Án phí và lệ phí Tòa án giải quyết các vụ việc ly hôn đơn phương được quy định trong Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14. Nghị quyết này quy định về mức thu, miễn, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, trong đó có án phí, lệ phí các vụ việc ly hôn.
Theo đó, mức án phí và lệ phí yêu cầu giải quyết ly hôn đơn phương còn phụ thuộc vào việc giải quyết ly hôn có kèm theo việc giải quyết về các vấn đề tài sản, chăm sóc con chung, các khoản nợ chung hay không. Việc xem xét các trường hợp này sẽ trả lời chi tiết cho câu hỏi “Thủ tục ly hôn đơn phương mất bao nhiêu tiền?”. Cụ thể như sau:
– Nếu ly hôn không có giá ngạch, khi mà chỉ yêu cầu Tòa án giải quyết vấn đề ly hôn mà không yêu cầu giải quyết các vấn đề về tài sản, chăm sóc nuôi dưỡng con chung, trả các khoản nợ chung thì sẽ phải nộp mức phí là 300.000 đồng.
– Trong trường hợp ly hôn có giá ngạch, yêu cầu Tòa án giải quyết vấn đề ly hôn cũng như giải quyết các vấn đề về tài sản, con cái, khoản nợ chung thì mức phí phải nộp phụ thuộc vào giá trị của tổng tài sản chung của vợ chồng được giải quyết.
+ Nếu tổng tài sản có giá trị từ 6 triệu đồng trở xuống, mức phí phải nộp là 300.000 đồng
+ Nếu tổng tài sản có giá trị từ 6 triệu đồng – 400 triệu đồng, mức phí phải nộp tương ứng với 5% giá trị tài sản
+ Nếu tổng tài sản có giá trị từ 400 triệu đồng – 800 triệu đồng, mức phí phải nộp là 20 triệu đồng cộng thêm 4% của phần giá trị tài sản vượt quá 400 triệu đồng
+ Nếu tổng tài sản có giá trị từ 800 triệu đồng – 2 tỷ đồng, mức phí phải nộp là 36 triệu đồng cộng thêm 3% của phần giá trị tài sản vượt 800 triệu đồng
+ Nếu tổng tài sản có giá trị từ 2 tỷ đồng – 4 tỷ đồng, mức phí phải nộp là 72 triệu đồng cộng thêm 2% của phần giá trị tài sản vượt 2 tỷ đồng
+ Nếu tổng tài sản có giá trị từ 4 tỷ đồng trở lên, mức phí phải nộp là 112 triệu đồng cộng thêm 0,1% của phần giá trị tài sản vượt 4 tỷ đồng.
Ai là người phải nộp tiền án phí giải quyết ly hôn đơn phương?
Trong trường hợp giải quyết các vụ việc dân sự, đương sự phải chịu án phí sơ thẩm nếu yêu cầu của họ được Tòa án chấp nhận, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí sơ thẩm.
Tuy nhiên, căn cứ theo khoản 4 Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có quy định như sau:
“Trong vụ án ly hôn thì nguyên đơn phải chịu án phí sơ thẩm, không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Trường hợp cả hai thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu một nửa án phí sơ thẩm.”
Như vậy, khác với những vụ án dân sự khác, đương sự trong các vụ án ly hôn đơn phương vẫn phải chịu án phí sơ thẩm nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận, trừ các trường hợp được miễn hoặc không chịu án phí sơ thẩm. Cụ thể hơn, khi giải quyết ly hôn đơn phương, người nộp đơn (nguyên đơn) sẽ phải chịu án phí sơ thẩm.
Ngoài ra, trong trường hợp ly hôn đơn phương mà vợ chồng có tranh chấp, không thể giải quyết được các vấn đề về tài sản chung và yêu cầu Tòa án giải quyết thì mỗi bên đều phải chịu án phí sơ thẩm tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được hưởng. Nếu ly hôn đơn phương mà vợ chồng đã tự thỏa thuận được với nhau về vấn đề tài sản chung và yêu cầu Tòa án ghi nhận trong bản án, quyết định thì không phải chịu án phí phần tài sản này.
Bên cạnh đó, những trường hợp sau đây sẽ được miễn án phí trong các vụ án ly hôn đơn phương bao gồm các đối tượng: cá nhân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; người cao tuổi; người khuyết tật; người có công với cách mạng; người dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn; thân nhân gia đình các liệt sĩ.
Câu hỏi thường gặp
Căn cứ theo Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, cả vợ và chồng đều có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn đơn phương. Ngoài ra, nếu một bên vợ hoặc chồng bị mắc các bệnh tâm thần, không thể nhận thức và làm chủ hành vi của mình thì khi đó, cha, mẹ hoặc người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn đơn phương. Tuy nhiên, trong trường hợp này cần phải đảm bảo những điều kiện nhất định.
Để có thể yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn đơn phương, vợ hoặc chồng cần chuẩn bị các loại hồ sơ sau: Đơn xin ly hôn đơn phương; Giấy đăng ký kết hôn của vợ chồng; Giấy khai sinh của các con; Các giấy tờ về tài sản chung (nếu có); Các bằng chứng, chứng cứ về nguyên nhân mà bản thân muốn ly hôn đơn phương.
Sau khi đã chuẩn bị đủ các loại giấy tờ, vợ hoặc chồng cần nộp đơn xin ly hôn đơn phương ở Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú và làm việc của người còn lại. Trong trường hợp nếu có yếu tố nước ngoài, cần phải nộp đơn ở Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi cư trú và làm việc của người còn lại.