Người Việt Nam bị bắt ở nước ngoài sẽ ra tòa ở đâu?

Hữu Duy, Thứ Ba, 19/09/2023 - 17:38
Quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ khiến các quốc gia trên thế giới xích lại gần nhau hơn. Việc giao lưu giữa cũng quốc gia cũng ngày càng thuận tiện nhờ sự phát triển của khoa học công nghệ và kỹ thuật hiện đại. Ngày nay, công dân của quốc gia này có thể đến quốc gia khác học tập, làm việc hay định cư một cách dễ dàng hơn. Điều này cũng kéo theo những sự thay đổi trong hệ thống pháp luật mỗi quốc gia, hình thành những quan hệ pháp luật quốc tế. Pháp luật của mỗi quốc gia cần phải có những quy định cụ thể về việc xử lý những hành vi vi phạm của người nước ngoài như thế nào. Với công dân Việt Nam, khi ra nước ngoài, họ sẽ có thắc mắc rằng, nếu họ thực hiện hành vi phạm tội và bị bắt thì sẽ bị cơ quan nào xử lý. Vậy người Việt Nam bị bắt ở nước ngoài sẽ ra tòa ở đâu? Bài viết dưới đây của Hỏi đáp luật sẽ trả lời cho bạn một cách đầy đủ, chi tiết và hy vọng những thông tin mà chúng tôi cung cấp sẽ hữu ích cho bạn.

Căn cứ pháp lý

  • Bộ luật Dân sự 2015
  • Luật Hôn nhân và gia đình 2014
  • Bộ luật Hình sự 2015
  • Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015

Vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài là gì?

Để đảm bảo trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức trong xã hội, Nhà nước đã xây dựng hệ thống pháp luật bao gồm những quy tắc xử sự chung cùng các chế tài xử phạt nếu có vi phạm. Nếu bất kỳ ai có hành vi vi phạm mà mang tính chất nguy hiểm cho xã hội thì sẽ được coi là tội phạm, phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự. Từ đó, có thể thấy rằng, vụ án hình sự là những vụ việc có dấu hiệu của tội phạm, đã được quy định tại Bộ luật Hình sự và được các cơ quan có thẩm quyền ra lệnh khởi tố vụ án, tiến hành điều tra, xét xử. Việc khởi tố, điều tra và xét xử phải tuân theo các trình tự, thủ tục được quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự.

Vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài là gì?

Hiện nay, pháp luật có quy định cụ thể về vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, có thể tìm hiểu vấn đề “yếu tố nước ngoài” thông qua một số văn bản luật như Bộ luật Dân sự 2015, Luật Hôn nhân và gia đình 2014,…

Khoản 2 Điều 663 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định như sau: 

“Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là quan hệ dân sự thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài;

b)Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài;

c) Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng đổi tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài”.

Bên cạnh đó, khoản 25 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 lại có quy định: “Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là quan hệ hôn nhân và gia đình mà ít nhất một bên tham gia là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; quan hệ hôn nhân và gia đình giữa các bên tham gia là công dân Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài…”.                                                      

Dựa vào những quy định trên, cần căn cứ vào các tiêu chí nhất định để xác định được thế là nào quan hệ dân sự hoặc quan hệ hôn nhân và gia đình có “yếu tố nước ngoài”. Cụ thể, quan hệ dân sự hay quan hệ hôn nhân và gia đình “có yếu tố nước ngoài” cần có ít nhất một bên là cá nhân, pháp nhân nước ngoài. Ngoài ra, xét theo phương diện lãnh thổ địa lý, các bên đều có thể mang quốc tịch Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện, chấm dứt quan hệ đó lại xảy ra ở nước ngoài hay đối tượng của quan hệ đó ở nước ngoài.

Trong pháp luật hình sự, có thể tìm hiểu về “yếu tố nước ngoài” thông qua quy định tại Điều 5 và Điều 6 Bộ luật Hình sự 2015. Nội dung của những điều luật này chủ yếu quy định về hiệu lực của Bộ luật Hình sự 2015 theo không gian. Theo đó, Bộ luật Hình sự 2015 sẽ có hiệu lực đối với tất cả những hành vi phạm tội của cá nhân hay pháp nhân thương mại nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam, những hành vi phạm tội của công dân hay pháp nhân thương mại Việt Nam ở ngoài lãnh thổ Việt Nam hay những hành vi của cá nhân, pháp nhân thương mại nước ngoài ở nước ngoài nhưng xâm hại tới quyền và lợi ích của công dân Việt Nam hay xâm hại tới lợi ích của nhà nước Việt Nam. Việc xét xử những hành vi phạm tội này chính là vụ án “có yếu tố nước ngoài”.

Không chỉ dừng lại ở đó, theo Hỏi đáp luật, vụ án có “yếu tố nước ngoài” còn chính là những là vụ án xét xử hành vi phạm tội của công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài thực hiện ở Việt Nam hay nước ngoài nhưng gây ra thiệt hại cho cá nhân, tổ chức hay nhà nước nước ngoài.

Đặc điểm của vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài

Từ những phân tích “Thế nào là vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài?” ở trên, có thể nhận thấy rằng, vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài có những đặc điểm như sau:

Thứ nhất, chủ thể phạm tội trong vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài

Chủ thể phạm tội trong vụ án có yếu tố nước ngoài bao gồm cá nhân, pháp nhân Việt Nam và cá nhân, pháp nhân nước ngoài.

Với chủ thể phạm tội là cá nhân, pháp nhân nước ngoài hay cá nhân, pháp nhân Việt Nam định cư ở nước ngoài:

– Nếu người phạm tội là người nước ngoài thì họ mang nhiều quốc tịch khác nhau trên thế giới.

– Nếu người phạm tội là người Việt Nam hiện đang định cư ở nước ngoài thì việc xử lý sẽ rất khó khăn. Bên cạnh đó, loại tội phạm này có xu hướng gia tăng với những diễn biến vô cùng phức tạp.

Với chủ thể phạm tội là cá nhân, pháp nhân Việt Nam định cư trong nước: Những đối tượng này hiện đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, tập trung ở những vùng có kinh tế phát triển, có nhiều người nước ngoài đến định cư hay sở những vùng biên giới.

Thứ hai, người bị hại trong vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài

Thông thường, trong các vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài, người bị hại thường là các cá nhân, tổ chức người Việt Nam. Bên cạnh đó, một số ít người bị hại trong vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài cũng có thể là cá nhân, tổ chức nước ngoài. Phần lớn họ bị xâm phạm về tính mạng, sức khỏe hay tài sản.

Thứ ba, hình thức và thủ đoạn phạm tội trong vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài

Đa phần những vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài thường được thực hiện dưới hình thức phạm tội có tổ chức với các đồng phạm. Thủ đoạn phạm tội cũng rất tinh vi, lợi dụng những sơ hở trong các quy định của pháp luật để thực hiện hành vi phạm tội.

Người Việt Nam bị bắt ở nước ngoài sẽ ra tòa ở đâu?

Câu hỏi: Con tôi năm nay 23 tuổi, hiện nay đang là du học sinh Nhật Bản. Trong một lần đi tụ tập cùng bạn bè thì có mâu thuẫn xảy ra nên con tôi đã thực hiện hành vi đánh bạn (cũng là người Việt Nam) với tỷ lệ thương tích gây ra là 24% nên hiện đã bị tạm giam. Vậy, Luật sư có thể cho tôi hỏi, con tôi sẽ ra tòa ở đâu?

Người Việt Nam bị bắt ở nước ngoài sẽ ra tòa ở đâu?
Người Việt Nam bị bắt ở nước ngoài (Ảnh minh họa)

Khoản 1 Điều 6 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định như sau:

“1. Công dân Việt Nam hoặc pháp nhân thương mại Việt Nam có hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà Bộ luật này quy định là tội phạm, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo quy định của Bộ luật này.”

Điều luật này quy định về hiệu lực của Bộ luật Hình sự 2015 đối với hành vi phạm tội của công dân Việt Nam hay pháp nhân thương mại Việt Nam thực hiện ở nước ngoài. Theo đó, công dân Việt Nam ở nước ngoài nếu thực hiện hành vi phạm tội theo quy định của Bộ luật Hình sự, vẫn bị coi là tội phạm và bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam. Cho nên, trong trường hợp trên, con của ông/bà có thể sẽ ra Tòa tại Việt Nam.

Tuy nhiên, việc xét xử các vụ án có hành vi phạm tội ở nước ngoài trên thực tế không hề đơn giản. Bên cạnh đó, việc này còn phải thông qua các hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam với quốc gia sở tại.

Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 có quy định về phạm vi hợp tác quốc tế và nguyên tắc hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự tại Điều 491 và Điều 492 như sau:

“Điều 491. Phạm vi hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự

1. Hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự là việc các cơ quan có thẩm quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài phối hợp, hỗ trợ nhau để thực hiện hoạt động phục vụ yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.

2. Hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự gồm tương trợ tư pháp về hình sự; dẫn độ; tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù và các hoạt động hợp tác quốc tế khác được quy định tại Bộ luật này, pháp luật về tương trợ tư pháp và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

3. Hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại, theo quy định của Bộ luật này, pháp luật về tương trợ tư pháp và quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan.

Điều 492. Nguyên tắc hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự

1. Hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự được thực hiện trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

2. Trường hợp Việt Nam chưa ký kết hoặc chưa gia nhập điều ước quốc tế có liên quan thì việc hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự được thực hiện theo nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật quốc tế và tập quán quốc tế.”

Phạm vi hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự phải tuân thủ, đảm bảo nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau trên cơ sở theo nguyên tắc có đi có lại, phù hợp pháp luật và tập quán quốc tế, không trái với pháp luật Việt Nam. Chính vì thế, trong trường hợp con của ông/bà, ngoài việc ra tòa ở Việt Nam (thông qua việc dẫn độ về Việt Nam để xét xử) thì cần có đến sự hỗ trợ tư pháp của Nhật Bản thông qua Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và Nhật Bản. Như vậy, con của ông bà còn có thể ra tòa và chấp nhận hình phạt tại Nhật Bản.

Xem thêm: Dịch vụ đăng ký kết hôn với người nước ngoài

Câu hỏi thường gặp

Hành vi phạm tội của người nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam sẽ bị xét xử theo quy định của luật nào?

Điều 5 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định như sau:
“1. Bộ luật hình sự được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Quy định này cũng được áp dụng đối với hành vi phạm tội hoặc hậu quả của hành vi phạm tội xảy ra trên tàu bay, tàu biển mang quốc tịch Việt Nam hoặc tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
2. Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó; trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.”

Như vậy, Bộ luật Hình sự 2015 được áp dụng cho mọi hành vi phạm tội được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam (bao gồm trên tàu bay, tàu biển, tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam). Theo đó, hành vi phạm tội của người nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam cũng sẽ bị xét xử theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 theo trình tự, thủ tục quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, trừ những trường hợp được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự. Việc giải quyết trách nhiệm hình sự của những đối tượng này dựa theo quy định của điều ước quốc tế, tập quán quốc tế hoặc con đường ngoại giao.

Người nước ngoài thực hiện hành vi phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam có thể bị dẫn độ về nước của họ để xét xử hay không?

Căn cứ theo Điều 32 Luật tương trợ tư pháp 2007 có quy định như sau:
“Dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó.”
Người nước ngoài người thực hiện hành vi phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam có thể bị dẫn độ về nước của họ để xét xử trong trường hợp quốc gia của người phạm tội có văn bản yêu cầu dẫn độ người đó về nước để xử lý và được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam đồng ý. Việc dẫn độ cũng có thể bị từ chối theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật tương trợ tư pháp 2007.

5/5 - (2 bình chọn)